Tổng quan về rối loạn lo âu

1. Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu (anxiety disorder) là một trong các rối loạn tâm lý có tính phổ biến cao, bệnh thường kết hợp với nhiều rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống, rối loạn dạng cơ thể. Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống. Khi lo âu và sợ hãi quá mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, vẫn tiếp tục ngay cả khi mối lo thực tế đã kết thúc thì đó là bệnh lý. Nguyên nhân chính xác của rối loạn bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu liên quan tới các sang chấn tâm lý kết hợp với yếu tố nhân cách có xu hướng lo âu.

2. Các phân loại của rối loạn lo âu?
Rối loạn lo âu lan tỏa: thường bắt đầu từ 20-30 tuổi, số lượng người nữ mắc cao gấp đôi so với người nam, đặc điểm của rối loạn này là sự lo âu lan tỏa, dai dẳng và không giới hạn hay nổi bật trong bất cứ tình huống, đối tượng đặc biệt nào. Bệnh có các biểu hiện về tâm trạng như luôn bất an, hồi hộp, còn thể chất thì hay run rẩy, căng cứng bắp thịt, vã mồ hôi, thắt ngực, nóng lưng, đau bụng, khó ngủ. Do các biểu hiện này bệnh nhân thường tìm đến các bác sĩ đa khoa để tìm các tổn thương thể chất cho đến khi không tìm được nguyên nhân thì mới tìm đến các bác sĩ tâm lý. Một trong các tiêu chuẩn chẩn đoán quan trọng là lo âu quá mức hàng ngày trong thời gian ít nhất 6 tháng.
Với những người bị rối loạn lo âu lan tỏa, mỗi ngày diễn ra họ đều phải trải qua cảm xúc lo lắng và căng thẳng quá mức, mặc dù có rất ít hoặc không có vấn đề nghiêm trọng nào. Họ hay dự đoán các sự kiện bất trắc và quá quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, tiền bạc, gia đình hoặc khó khăn trong công việc,…

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): trước đây do có ít bệnh nhân đến khám và chịu thừa nhận nên rối loạn này được cho là không phổ biến nhưng những con số thống kê gần đây cho thấy quan niệm này cần phải đính chính lại, theo ước tính ở Mỹ có khoảng 2% người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế, nam nữ có tỉ lệ như nhau. Đặc điểm của bệnh là các ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế, người bệnh không làm chủ được các ý nghĩ lặp đi lặp lại một cách vô lý và để giảm bớt độ thôi thúc gây khó chịu cho bản thân họ buộc phải thực hiện hành vi cưỡng chế. Một số hành vi cưỡng chế cụ thể như là nhìn đồng hồ hoặc rửa tay liên tục, sưu tầm các vật vô giá trị, ngăn nắp quá mức, tìm kiếm sự cân đối,… Nhiều người ý thức được tính chất bất thường của hành vi nhưng không khống chế được chúng, họ miêu tả điều đó giống như khi bị nấc dù rất muốn nhưng không thể nào dừng lại được.
Người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế phần nào hiểu rõ tính chất vô ích của ám ảnh, đôi khi chính họ cũng công nhận ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế của họ là phi lý. Nhưng phần lớn họ không có nhận định chắc chắn về sự sợ hãi của mình hoặc thậm chí có niềm tin mạnh mẽ rằng những hành vi đó là phù hợp. Những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế phải đấu tranh rất quyết liệt để xua những ý nghĩ không mong muốn và hành vi cưỡng chế. Rất nhiều người có thể ngăn các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế xuất hiện trong nhiều giờ khi họ ở trong lớp học hay ở nơi làm việc. Nhưng qua thời gian đó sự kháng cự yếu đi và họ bị chi phối bởi hành vi ám ảnh mang tính chất lễ nghi rất mạnh, nó ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của bệnh nhân và đôi khi khiến họ khó có thể ở một nơi nào đó ngoài căn nhà của mình.

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD): Sau một trải nghiệm đau buồn như người thân mất, bị ngược đãi, chiến tranh, thiên tai,… phần lớn chúng ta lấy lại được cảm xúc quân bình theo thời gian, tuy nhiên ở một số người nó lại trở thành nỗi bất an dai dẳng, cảm giác đau buồn không nguôi này gọi là rối loạn stress sau sang chấn. Tên gọi PTSD chính thức ra đời sau khi người ta nhận thấy rằng rất nhiều cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam sau khi trở về nước mặc dù có cuộc sống như mọi người nhưng lại có nhiều biểu hiện tâm lý bất thường. Các triệu chứng thường thấy là người bệnh hay nhớ lại hoàn cảnh sang chấn ngoài ý muốn hoặc nó có thể đến trong cơn ác mộng. Những người có tuổi thơ bất hạnh, bị lạm dụng tình dục, chứng kiến cái chết thảm khốc của người mà mình thương yêu có khả năng cao mắc bệnh này.
Người ta nhận thấy sự tác động khác nhau của sự kiện gây sang chấn đến những người khác nhau, với người này thì để lại hậu quả nghiêm trọng người khác thì không. Trong cùng một biến cố thì người trực tiếp là nạn nhân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người chỉ gián tiếp liên quan, chẳng hạn như chỉ nhìn thấy sự kiện. Ngoài ra cũng phải kể đến yếu tố tâm lý riêng của từng người, những người có khả năng chịu đựng stress tốt hơn thì ít nguy cơ hơn, tuy nhiên tất cả mọi người đều có mức độ chịu đựng nhất định, hiếm có người nào sống sót trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc xã mà lại không bị tổn thương về tâm lý.

Ám ảnh sợ xã hội: như tên gọi, người bệnh luôn cảm thấy sợ hãi quá mức trong các tình huống mang tính xã hội như trong các buổi tiệc, nói chuyện trước đám đông, hay thậm chí chỉ là nói chuyện với người khác hoặc bị một ai đó nhìn. Có các biểu hiện như đỏ mặt, run rẩy, buồn nôn,… Khi hành động thì luôn sợ hãi rằng mình sẽ làm các hành vi ngớ ngẩn để rồi phải xấu hổ. Theo thống kê khoảng 3.7% người Mỹ mắc căn bệnh này tức là xấp xỉ 5.3 triệu người, nữ có tỉ lệ mắc cao gấp đôi nam giới, thế nhưng tỉ lệ nam giới chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ để chữa trị lại nhiều hơn. Bệnh thường khởi phát trong thời kỳ thơ ấu hoặc đầu trưởng thành, hiếm khi bị bệnh sau tuổi 25. Nếu không được chữa trị bệnh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống. Một số tình huống xã hội mà người bệnh thường tránh né nhất đó là:

  • Nói chuyện trước đám đông
  • Làm việc khi ai đó đang nhìn mình
  • Nói chuyện trên điện thoại
  • Gặp người lạ
  • Hẹn hò
  • Ăn ở nơi công cộng
  • Trả lời câu hỏi trong lớp học

Rối loạn lo âu khi xa cách: biểu hiện sự lo âu thái quá khi phải xa cách môi trường hoặc người đem lại cảm giác an toàn. Bệnh có xuất hiện ở người trưởng thành nhưng đối tượng chủ yếu mắc bệnh là trẻ em. Cần nhớ rằng lo âu khi xa cách là một giai đoạn trong quá trình phát triển tự nhiên của trẻ [10] (rất dễ quan sát ở trẻ sơ sinh chúng có thể khóc ngay khi đến nhà người lạ) do vậy chẩn đoán mắc bệnh chỉ có ý nghĩa với các biểu hiện vượt mức cần thiết.

3. Nguyên nhân gây ra các rối loạn lo âu?
Nghiện rượu, thuốc và các chất kích thích: rối loạn lo âu có thể gây ra bởi lạm dụng rượu quá độ. Tuy nhiên, việc sử dụng rượu vừa phải cũng có thể gây ra sự tăng độ lo âu đối với một số cá nhân. Sự phụ thuộc của caffeine, rượu và benzodiazepine có thể làm trầm trọng thêm hoặc gây ra sự lo lắng và hoảng loạn. Rối loạn lo âu thường xảy ra trong giai đoạn cai rượu cấp tính và có thể tồn tại đến 2 năm như một phần của hội chứng cai sau cấp tính, nằm khoảng một phần tư số người khỏi bệnh nghiện rượu. Trong một nghiên cứu vào năm 1988, tại một bệnh viện tâm thần ở Anh ghi nhận: một nữa số bệnh nhân đến khám bị các tình trạng bao gồm rối loạn lo âu như rối loạn hoảng sợ hoặc ám ảnh sợ xã hội, được xác định là do rượu hoặc sự phụ thuộc của benzodiazepine.
Uống caffeine có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng rối loạn lo âu, bao gồm cả rối loạn hoảng sợ. Những người bị rối loạn lo âu có thể có độ nhạy caffeine cao. Rối loạn lo âu do caffein là một phân lớp của chẩn đoán DSM-5 về rối loạn lo âu do chất / thuốc gây ra. Sử dụng thuốc phiện có liên quan đến rối loạn lo âu. Tuy nhiên, mối quan hệ chính xác giữa việc sử dụng cần sa và lo lắng vẫn cần phải được xác nhận thêm trong các nghiên cứu tiếp sau.

Các bệnh lý nội tiết chuyển hóa: đôi khi, rối loạn lo âu có thể là tác dụng phụ của một bệnh nội tiết tiềm ẩn gây ra chứng tăng động hệ thần kinh, chẳng hạn như u tuyến thượng thận (pheochromocytoma) hoặc cường giáp.

Căng thẳng kéo dài: rối loạn lo âu có thể phát sinh để đáp ứng với những căng thẳng trong cuộc sống như lo lắng về tài chính hoặc mắc bệnh mạn tính. Lo âu của thanh thiếu niên và thanh niên phổ biến là do những căng thẳng của sự tương tác xã hội, sự đánh giá bình phẩm và biến đổi sinh lý cơ thể. Lo lắng cũng phổ biến ở những người lớn tuổi bị chứng sa sút trí tuệ. Trên thực tế, phản ứng nội tiết tố đối với sự lo lắng đã phát triển như một lợi ích, vì nó giúp con người phản ứng với những nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu trong y học tiến hóa tin rằng sự thích nghi này cho phép con người nhận ra có một mối đe dọa tiềm tàng và hành động phù hợp để đảm bảo khả năng bảo vệ lớn nhất. Thực tế đã chứng minh rằng những người có mức độ lo lắng thấp có nguy cơ tử vong cao hơn những người có mức độ trung bình. Điều này là do sự vắng mặt của nỗi sợ hãi có thể dẫn đến thương tật hoặc tử vong. Ngoài ra, những bệnh nhân mắc cả lo âu và trầm cảm được phát hiện có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn so với những người bị trầm cảm đơn thuần. Ý nghĩa chức năng của các triệu chứng liên quan đến lo âu bao gồm: sự tỉnh táo hơn, chuẩn bị hành động nhanh hơn và giảm khả năng bỏ lỡ các mối đe dọa. Trong tự nhiên, các cá nhân dễ bị tổn thương, ví dụ như những người bị tổn thương hoặc mang thai, có ngưỡng phản ứng lo âu thấp hơn, khiến họ tỉnh táo hơn. Điều này cho thấy một lịch sử tiến hóa kéo dài của phản ứng lo âu.

Di truyền: rối loạn lo âu xuất hiện tăng gấp 6 lần ở những trẻ em có cha mẹ mắc bệnh này. Trong khi lo lắng nảy sinh như một sự thích nghi thì các suy nghĩ tiêu cực thường xuất hiện trong bối cảnh rối loạn lo âu. Những người mắc các rối loạn này có cơ thể rất nhạy cảm, họ có xu hướng phản ứng thái quá với các kích thích dường như vô hại. Đôi khi rối loạn lo âu xảy ra ở những người đã từng bị chấn thương, chứng tỏ sự gia tăng tỷ lệ lo âu khi người đó sinh con, người con có thể sẽ có một tương lai khó khăn. Trong những trường hợp này, rối loạn phát sinh như một cách để dự đoán rằng môi trường sống đó có thể tiếp tục gây ra các ảnh hưởng nặng đến sức khỏe tâm trí người bệnh.

4. Những vấn đề cần lưu ý với rối loạn lo lắng ở trẻ em?
Thỉnh thoảng, trẻ con cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi, chẳng hạn như khi chúng bắt đầu đi học hoặc đi nhà trẻ, hoặc chuyển đến một khu vực mới,… đó là một phản ứng dễ hiểu ở trẻ em trước sự thay đổi hoặc một sự kiện căng thẳng.
Nhưng đối với một số trẻ em, sự lo lắng ảnh hưởng đến hành vi và suy nghĩ hàng ngày, can thiệp vào trường học, nhà cửa và đời sống xã hội của trẻ. Đây là khi bạn có thể cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp để giải quyết sự lo lắng cho trẻ trước khi nó trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Trẻ em thường cảm thấy lo lắng, sợ hãi trước sự thay đổi

5. Điều trị rối loạn lo âu như thế nào?
Cũng như nhiều rối loạn tâm lý khác, việc điều trị bao gồm hai phương pháp chính: sử dụng thuốc và các liệu pháp tâm lý. Trong đó có liệu pháp hành vi nhận thức, tham vấn tâm lý, thư giãn (người bệnh thực hành những bài tập thả lỏng cơ kết hợp với tập thở khí công…) [4].

5.1. Liệu pháp hành vi nhận thức
Trị liệu bằng các liệu pháp hành vi nhận thức hiện còn chưa được phổ biến ở Việt Nam. Việc điều trị bao gồm nhiều nội dung khác nhau như là giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cách xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, hoảng sợ như là tập thư giãn, tập hít thở sâu, hoặc có những liệu pháp giúp bệnh nhân dần dần thích nghi được với các hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu và các triệu chứng sẽ dần biến mất. Để điều trị hiệu quả thường kết hợp cả hai phương pháp dùng thuốc và hành vi nhận thức.

5.2. Điều trị bằng thuốc
Loại thuốc đang được dùng phổ biến hiện nay là nhóm thuốc ức chế hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) mà một số hoạt chất phổ biến như là: fluoxetine, sertraline, paroxetine,… và loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng amitriptylin cùng nhóm benzodiazepine.
Tuy nhiên việc lựa chọn loại thuốc nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như là bệnh nhân có bệnh lý khác kết hợp hay không, điều kiện tài chính. Cũng cần phải hết sức lưu ý tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng, SSRI là loại thuốc ít có nguy cơ về tim mạch, kháng cholinergic và ngộ độc liên quan đến quá liều nhưng nó có tác dụng phụ trên chức năng tình dục.
Khi dùng loại thuốc nhóm benzodiazepin thì có những nguy cơ phụ thuộc thuốc khi sử dụng lâu dài, chỉ nên sử dụng ở các bệnh nhân buộc phải được kiểm soát các triệu chứng một cách nhanh chóng như là bệnh nhân có nguy cơ nghỉ việc, nghỉ học. Loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường có các nguy cơ tác dụng phụ lên hệ tim mạch, vì vậy cần đặc biệt lưu ý với những bệnh nhân cao tuổi (thường có hệ tim mạch yếu) và những người có bệnh lý mạn tính (Hen, COPD, ĐTĐ, THA) kèm theo.

5.3. Lối sống và chế độ ăn uống
Thay đổi lối sống bao gồm tập thể dục, trong đó có bằng chứng vừa phải cho một số cải thiện, thường xuyên hóa giấc ngủ, giảm lượng caffeine và ngừng hút thuốc. Ngừng hút thuốc có lợi ích trong lo âu lớn bằng hoặc lớn hơn so với thuốc. Axit béo không bão hòa đa omega-3 (như dầu cá) có thể làm giảm lo lắng, đặc biệt ở những người có triệu chứng.

Thực phẩm giàu omega 3 mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân rối loạn lo âu

Tài liệu tham khảo:

  1. Peter Aspden (2012), “So, what does the Scream mean?”, Dinancial Times.
  2. Nguyễn Hằng Phương (2008), “Rối loạn lo âu”, Khoa Tâm lý Trường ĐHKHXH và Nhân Văn Hà Nội.
  3. La Thị Bưởi (2009), “Rối loạn lo âu khiến cuộc sống trở nên tồi tệ”, Sức khỏe đời sống.
  4. John H. Greist (2014), “Tổng quan về rối loạn lo âu”, MSD Manual, phiên bản dành cho chuyên gia.