Người bệnh đái tháo đường là đối tượng có nguy cơ cao cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ khi dịch covid-19 diễn ra. Mặc dù vậy, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam được kiểm soát đường huyết tốt khá thấp (gần 30% so với 50% ở các nước phát triển). Thực tế một số bệnh nhân Covid-19 có đái tháo đường đã bị bệnh nặng hơn (bị suy hô hấp nặng, phải thở máy như bệnh nhân người Anh tại Hà Nội) hay thời gian nằm viện kéo dài (như bệnh nhân người Trung Quốc tại Tp Hồ Chí Minh, nằm viện hơn 3 tuần). Vậy đâu là nguyên nhân?
1. Nguyên nhân:
Thói quen sinh hoạt bị đảo lộn, tâm lý và tuân thủ điều trị bị ảnh hưởng là những nguyên nhân chính khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn. Cụ thể là:
- Chế độ ăn và giờ ăn thay đổi, nhất là bệnh nhân ở các khu vực giãn cách xã hội, khu cách ly
- Thiếu hoặc thay đổi các thuốc uống đái tháo đường tại vùng bị cách ly
Bệnh nhân bị viêm, nhiễm khuẩn… khi đó cơ thể có phản ứng tăng tiết glucocorticoid và một số nội tiết tố khác để chống stress và viêm nhưng chính các nội tiết tố này lại làm tăng đường huyết - Lo âu, sợ hãi, căng thẳng (stress) cũng làm tăng đường huyết
- Một số bệnh nhân nặng cần điều trị glucocorticoid
- Bản thân virus Covid-19 kích thích cơ thể tăng sản xuất nhiều cytokine viêm, gây stress nặng ở các bệnh nhân nặng và nguy kịch
- Ảnh hưởng của các thuốc giảm đau chống viêm (Aspirrin, Paracetamol, Ibuprofen…) được sử dụng dể điều trị làm giảm triệu chứng của bệnh
- Không tập thể dục do chỉ ở trong nhà
2. Giải pháp:
Vậy ngay từ bây giờ người bệnh đái tháo đường cần làm gì để ổn định đường huyết ngay cả khi dịch covid-19 xảy ra tại nơi mình sống:
- Thực hiện 5k:
- Tất cả các bệnh nhân cần lĩnh/mua đủ thuốc đái tháo đường, cũng như que thử đường huyết, kim tiêm, bông cồn… thêm ít nhất 1 tháng so với bình thường. Nếu là bệnh nhân khám bảo hiểm thì hãy đề nghị được lĩnh thuốc ít nhất 2 tháng.
- Các bệnh nhân nên có thêm que thử ceton niệu. Khi đường huyết tăng > 13,5 mmol/L hoặc bị sốt thì nên thử ceton niệu để xem có bị biến chứng nhiễm toan ceton không
- Cố gắng ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày và tránh để bị stress
- Kiểm tra đầy đủ các biến chứng, nhận được sự tư vấn đầy đủ từ bác sỹ để kiểm soát tốt các biến chứng hiện có, dự phòng các biến chứng khác.
- Lên kế hoạch lịch sinh hoạt mới phù hợp với các yêu cầu giãn cách, dần thay thế các hoạt động ngoài trời thành trong nhà.
- Chuẩn bị các thực phẩm dự trữ phù hợp, do đặc điểm bệnh lý không nên sử dụng các thực phẩm ăn sẵn tiện lợi nên việc dự trữ thực phẩm, tự nấu ăn trở thành một phần quan trọng trong các biện pháp duy trì sự ổn định của đường huyết.
- Duy trì thói quen tập thể dục, chuẩn bị các dụng cụ tập thể dục trong nhà như: máy chạy bộ, thảm yoga,…vv
- Thực hiện theo dõi đường máu tại nhà theo hướng dẫn bác sỹ, theo dõi sát các dấu hiệu tăng đường máu, hạ đường máu và báo bác sỹ kịp thời.
- Duy trì liên lạc với bác sỹ hoặc bệnh viện, gửi kết quả tự theo dõi đường tại nhà thường xuyên
Kiểm soát tốt đường huyết sẽ không chỉ giúp ngăn ngừa virus Covid-19 lan tràn trong cơ thể bạn, hạn chế các biến chứng nặng mà còn giúp bạn hồi phục nhanh hơn. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường nên tận dụng cơ hội “giãn cách xã hội”, tạm gác bộn bề công việc để cố gắng điều trị bệnh đái tháo đường thật tốt.